Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Những điều cần biết về táo bón

Táo bón là trạng thái đi tiêu phân khô cứng, muốn đi mà không đi được, phải rặn mạnh, thời gian đi tiêu lâu hoặc nhiều ngày mới đi tiêu. Táo bón không phải là tình trạng bệnh lý, đó là một triệu chứng của bệnh rối loạn tiêu hóa.

Triệu chứng chung của táo bón là khi quá 3 ngày chưa đại tiện hoặc đại tiện dưới 3 lần trong một tuần. Có thể có từng cơn đau quặn bụng, phân rắn màu đen và hay vón cục, muốn đại tiện được thì phải rặn mạnh đến nỗi có lúc bật cả máu tươi, ở một số người có biểu hiện là khi đại tiện rồi mà vẫn cứ cảm giác vẫn còn phân trong ruột.

Nguyên nhân gây táo bón

Nguyên nhân có thể là triệu chứng khởi đầu của một bệnh lý thực thể nào đó tại đường tiêu hoá như bệnh của đại tràng như: co thắt, nhu động giảm, phình đại tràng, rối loạn chức năng vận chuyển của ruột.… Bệnh ngoài đường ruột như ung thư gây chèn ép… hoặc bệnh toàn thân như chức năng tuyến giáp giảm,tăng canxi,  nhiễm độc chì, suy nhược cơ thể, một số bệnh lý thần kinh như bệnh Parkinson, thần kinh tâm thần bị ức chế như lo nghĩ, tức giận, buồn phiền...
- Do thói quen ăn uống không khoa học: chế độ ăn nhiều đạm, ít chất xơ, ít vận động (thường xảy ra với người làm công tác văn phòng). Ăn uống không hợp lý (thiếu chất xơ, uống ít nước làm cho phân cứng, khó thải ra ngoài), ít vận động, stress. Hút thuốc lá, uống quá nhiều trà và cà phê cũng là nguyên nhân gây táo bón.
- Do uống thuốc tây: một số thuốc có tác dụng phụ gây táo bón (thuốc ngủ, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, chống dị ứng, thuốc chữa dạ dày,…)
- Lười đi đại tiện, nén hoặc nhịn việc đi đại tiện, do thói quen đi đại tiện không đều, bị mất ngủ, căng thẳng thần kinh.

Táo bón có nguy hiểm không?

Triệu chứng táo bón không hẳn là khó chữa trị, nhưng nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến bệnh trĩ và một số bệnh lý khác. Chính vì thế mọi người cần có cách phòng chữa tốt nhất.
Táo bón lâu ngày gây nên tâm trạng buồn phiền, lo âu, tinh thần dửng dưng, thiếu chú ý thậm chí còn có thể gây ra thiếu máu nhẹ và suy dinh dưỡng. Do phân tích tụ trong ruột quá lâu nên chúng gây cho bạn cảm giác khó chịu đồng thời cũng tạo ra gánh nặng về mặt tinh thần, rối loạn tâm lý hoặc kèm theo các biểu hiện ngủ không ngon, thường xuyên mất ngủ. Phân khô cứng có thể gây tổn thương cho hậu môn, làm chảy máu, đau…
Táo bón lâu ngày còn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý đường ruột nguy hiểm: polyp, ung thư...

Làm thế nào để phòng ngừa táo bón

- Rèn luyện thói quen đi vệ sinh đúng giờ
- Ít ai chú ý tới vấn đề đi vệ sinh đúng giờ trong ngày nhưng đây lại là một thói quen rất tốt giúp bạn không chỉ giúp phòng ngừa táo bón mà còn phòng ngừa nhiều căn bệnh về hậu môn trực tràng cực kì hiệu quả. Bạn nên chọn vào thời điểm ít việc nhất trong ngày và có thể rèn luyện mỗi ngày để hình thành phản xạ thói quen đi vệ sinh đúng giờ.
- Bổ sung nước hàng ngày
- Bù đủ nước cho cơ thể mỗi ngày còn giúp ngăn ngừa bệnh táo bón rất hiệu quả, khi uống nước không đủ sẽ làm phân cứng hơn và có nguy cơ táo bón cao hơn. Nên bổ sung khoảng 2lít nước mỗi ngày để cơ thể duy trì các hoạt động bình thường giúp loại bỏ nguy cơ xảy ra táo bón, đây là thói quen tốt này bất kì ai cũng nên rèn luyện.
- Bổ sung nhiều chất xơ
- Người dễ bị mắc phải bệnh táo bón thì nên thường xuyên bổ xung chất xơ thông qua việc ăn nhiều các loại rau xanh như cải bó xôi, rau cải, súp lơ, bắp cải hay  khoai lang, ngô, khoai tây…. Vì chất xơ giúp nhuận tràng dễ đi vệ sinh, ngăn ngừa táo bón một cách rất tốt. Ngoài ra bạn cũng nên hạn chế ăn các loại thực phẩm khó tiêu như dầu mỡ, thực phẩm chiên rán, chất kích thích như cà phê, rượu...

Tạo thói quen vận động đúng cách

Vận động đều đặn mỗi ngày sẽ giúp tạo áp lực giúp dễ tống phân ra ngoài. Chính vì vậy mà người cao tuổi tốt nhất nên thường xuyên tập thể dục và vận động hàng ngày để phòng táo bón xuất hiện.
Người cao tuổi cần có những thông tin đầy đủ để có biện pháp phòng ngừa táo bón hiệu quả. Đây là cách đơn giản và hiệu quả nhất đối với người cao tuổi, có thể áp dụng dễ dàng mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét