Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

10 sự thật đáng kinh ngạc về sức khỏe

Có rất nhiều con số đáng ngạc nhiên về sức khỏe có thể làm cho cuộc sống của bạn trở nên khỏe mạnh hơn. Ví dụ, nếu bạn đang cố giữ cho bản thân mình tỉnh táo, bạn có thể uống một vài ly cà phê. Nhưng nếu bạn biết một thực tế rằng còn có nhiều cách khác có thể giúp bạn tỉnh táo, bạn có thể sẽ muốn tránh xa caffeine không lành mạnh và sống một lối sống lành mạnh hơn.
Những con số và những kết quả nghiên cứu dưới đây hẳn sẽ là những thông tin hữu ích để bạn “đối xử” với chính mình tốt hơn.
10 sự thật đáng kinh ngạc về sức khỏe
1. Một người chạy liên tục trong một khoảng thời gian 3 giờ có thể tiêu hao gần nửa kg chất béo trong cơ thể của mình. Điều này có nghĩa rằng nếu bạn chạy 20 - 25 phút mỗi ngày, bạn có thể giảm một kg mỗi tháng.
2. Não của những người khởi động ngày mới bằng việc tập thể dục có thể sẽ thông minh hơn 10% khi làm việc.
3. Nếu người hút thuốc lá uống trà đen, việc này có thể ngăn chặn một chút việc tổn thương ở phổi.
4. Tốt hơn hết, bạn nên để điện thoại di động luôn được sạc đầy pin vì chúng sẽ phát ra quá nhiều bức xạ hơn nếu có cuộc gọi đến trong lúc pin đang ở mức thấp.
5. Một người thực hiện 6000 lần động tác nhảy dang tay chân (jumping jack) có thể tiêu hao gần nửa kg trọng lượng cơ thể có nghĩa là bạn có thể giảm 1 kg chất béo trong một tháng nếu bạn thực hiện 400 lần nhảy/ngày.
6. Luyện tập thể thao trước khi đi ngủ có thể đẩy nhanh quá trình đốt cháy chất béo khi bạn đang ngủ.
7. Một nghiên cứu cho rằng những người chỉ ăn các món ăn được nấu ở nhà có thể sống thêm vài năm so với những người hàng ngày đi ăn quán.
8. Các chuyên gia y tế cho rằng uống nước lạnh ngay sau khi bạn thức dậy làm cho bạn tỉnh táo  một cách tốt hơn khi so sánh với một tách trà hoặc cà phê.
9. Ngủ hơn 9 giờ mỗi ngày có thể gây tổn hại cho hệ miễn dịch của cơ thể bạn.
10. Tập thể dục vào mỗi buổi sáng thứ Hai có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn trong cả tuần và có tư duy tốt hơn.
 
 
Thụy Du – (Dịch theo BS)
(Theo Congluan)

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

9 thực phẩm giúp bạn luôn tươi trẻ

Tất cả chúng ta không ai có thể thoát khỏi quy luật lão hóa, nhưng việc chúng ta có thể làm là kìm hãm quá trình lão hóa diễn ra chậm hơn
Những thực phẩm giúp bạn luôn tươi trẻ
Cá nhiều chất béo. Nhờ chứa hàm lượng cao omega 3 tự nhiên chống lại bệnh tim, viêm và viêm loét đại tràng, kể cả những ảnh hưởng lên da do ánh nắng mặt trời. Cá hồi là một đại diện, màu cam của thân cá chứa astaxanthin, là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ.
Dầu olive nguyên chất. Đây là chất béo tốt nhất cho sức khỏe, giúp ngăn ngừa lão hóa, giảm huyết áp, nguy cơ bệnh tim, và góp phần chống lại các bệnh ung thư. Nó cũng giúp da trông trẻ hơn, chống viêm da và bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời. Khoảng 73% dầu olive chứa chất béo không bão hòa dạng đơn thể giúp tăng độ đàn hồi, săn chắc da.
Trà xanh. Trà xanh chứa chất chống oxy hóa cao gọi là polyphenol, chống lại bệnh tiểu đường, kháng insulin, viêm và bệnh tim. Polyphenol cũng có thể giúp bảo vệ collagen là thành phần protein chính trong da, từ đó giúp giảm các dấu hiệu lão hóa.
Trái bơ. Trái bơ giàu chất béo có lợi cho tim, cung cấp chất xơ, nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe. Hơn nữa, quả bơ có chứa các hợp chất độc đáo polyhydroxylated fatty alcohols chống viêm, bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và giúp sửa chữa DNA.
Sô cô la đen. Thực phẩm này còn có tác dụng giảm oxy hóa còn tốt hơn cả việt quất, nam việt quất, và quả mọng. Thực phẩm này giúp giảm huyết áp, cải thiện chức năng động mạch và độ đàn hồi. Một nghiên cứu cho thấy, những người ăn sô cô la đen với hàm lượng cao ca cao tương đương với thành phần flavanol cao sẽ giúp tăng khả năng chịu được ánh nắng mặt trời lâu hơn bình thường.
Hạt lanh. Hạt lanh giúp giảm cholesterol, giảm lượng đường trong máu đồng thời giảm nguy cơ ung thư vú và tuyến tiền liệt. Hạt lanh còn cung cấp omega-3 được gọi là ALA, bảo vệ làn da của bạn khỏi bức xạ của ánh nắng mặt trời. Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ tiêu thụ hạt lanh hoặc dầu hạt lanh trong 12 tuần cho thấy cải thiện độ ẩm và làn da mượt hơn.
Lựu. Lựu chứa thành phần chống oxy hóa cao hơn trà xanh. Lựu còn giúp giảm viêm, cải thiện đường huyết cao, và giảm ảnh hưởng của bệnh ung thư đại tràng. Ngoài việc giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, lựu còn giúp tăng sản sinh collagen cải thiện da.
Cà chua. Cà chua cung cấp hàm lượng lycopene cao là một loại caroten giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và ung thư tuyến tiền liệt. Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ ăn một hỗn hợp các thực phẩm giàu chất lycopene và chất chống oxy hóa thực vật khác có thể giảm nếp nhăn sau 15 tuần. Nấu cà chua với chất béo lành mạnh như dầu olive làm tăng hấp thu lycopene vào cơ thể.

Đổ mồ hôi cũng có ích cho sức khỏe

Việc đổ mồ hôi trong phòng tập thể dục hay khi đi dưới ánh mặt trời đều có một số ích lợi cho sức khỏe của bạn.
Đổ mồ hôi chính là một cách để đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể. Trong thực tế, khi bạn làm việc vất vả và đổ mồ hôi khi tập thể dục, bạn có xu hướng cảm thấy thỏai mái hơn rất nhiều. 
Tốt cho tim
Việc đổ mồ hôi làm cho tim hoạt động tốt hơn. Quá trình lưu thông máu cũng trở nên thuận lợi. Trong quá trình điều hoà nhiệt độ, cơ thể của bạn vẫn hoạt động một cách lành mạnh.
Đổ mồ hôi cũng có ích cho sức khỏe
Tốt cho da
Khi đổ mồ hôi, các bụi bẩn trên da của bạn cũng đồng thời được rửa sạch giúp làn da của bạn trông khỏe mạnh.
Tốt cho thận 
Đổ mồ hôi làm cho bạn bị mất nước và do đó bạn thường sẽ uống nhiều nước hơn. Điều này rất hữu ích cho thận của bạn.
Thải độc tố ra ngoài
Mỗi lần bạn đổ mồ hôi, chất độc sẽ được thải ra từ cơ thể giúp bạn khỏe mạnh hơn.
Tăng cường tâm trạng
Nếu việc đổ mồ hôi là do bạn tập trung cao độ vào hoạt động nào đó, cơ thể sẽ tiết ra các hóa chất có ích, giúp bạn cảm thấy tâm trạng có xu hướng đi lên rõ rệt. 
Hồi phục vết thương
Một phát hiện gần đây đã cho thấy một số mối liên quan giữa mồ hôi và việc chữa lành các vết thương.
Khả năng miễn dịch 
Khả năng miễn dịch được cho là có liên quan tới mồ hôi. Đó là lý do tại sao các chuyên gia y tế khuyên chúng ta nên để mồ hôi thoát ra nhiều hơn. 
 
 
Thụy Du – (Dịch theo BS) (Theo Congluan)

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Sự thật về việc nhịn đại tiện dễ bị ung thư đại trực tràng

Việc uống nước thải độc, tập luyện đi đại tiện theo giờ để phòng bệnh ung thư hay nhịn đại tiện mắc bệnh ung thư đều chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh
Đa số người Việt Nam có thói quen ăn uống và đi đại tiện có hại cho cơ thể. Tôi hỏi nhiều bạn cứ trung bình 3-4 ngày mới đi đại tiện một lần, và rất nhiều bạn chả bao giờ ăn rau sống hay rau luộc.
Việc bạn ăn thiếu rau là thiếu chất xơ, dẫn đến phân tích tụ lâu ngày trong ruột già của bạn, đó chính là nguyên nhân quan trọng để gây ung thư.
Phải tập đi đại tiện mỗi ngày vào buổi sáng, cứ cố tập, uống nhiều nước và cứ ngồi đấy.., tập không đến 1 tuần thì nhu động ruột bạn sẽ quen. Việc này, ở nước ngoài phụ huynh tập cho trẻ con từ bé, và như vậy làm việc cả ngày hay đi chơi du lịch cũng rất thuận tiện.
Phải ăn rau trong mỗi bữa ăn. Rau gì cũng được, miễn bạn thích và cứ ăn đều đặn mỗi ngày.
Chúng ta phải biết rằng nhịn cái gì cũng không tốt, từ nhịn ăn, nhịn mặc, nhìn đại tiện, tiểu tiện…thậm chí là cả nhịn yêu, nên thông tin người Việt Nam có thói quen nhịn đại tiện đương nhiên là không tốt.
Còn việc, tập đại tiện vào một giờ nhất định, điều đó cũng không nên, vì chúng ta phải làm những việc đó theo nhu cầu của cơ thể. Nếu chúng ta phải tập thì trong thời gian tập, chúng ta cũng phải nhịn như vậy cũng không hề tốt.
Ví dụ như trẻ nhỏ, khi đến trường đi học các cô giáo tập cho trẻ về nhà (buổi chiều) mới đi đại tiện, như vậy có nghĩa là khi trẻ buồn trẻ phải nhịn đến giờ mới được đi, như vậy là không tốt chút nào.
Việc phòng bệnh ung thư nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng không phải phải nói ngày 1, ngày 2 là phòng được bệnh, mà nó phải kéo dài cả quá trình, thậm chí cả cuộc đời ăn uống khoa học và phải tầm soát ung thư đúng theo hướng dẫn. Ăn chế độ nhiều chất xơ (nhiều rau) để phòng ung thư đại trực tràng, điều đó không sai, nhưng nếu ăn nhiều rau mà rượu bia, thuốc lá vẫn uống và hút đều thì liệu có phòng được bệnh không?
Theo đó, để phòng bệnh ung thư đại trực tràng, chế độ ăn hàng ngày phải bổ sung nhiều chất xơ, hạn chế các loại thực phẩm nhiều protein, các loại thực phẩm tẩm nhuộm màu và chiên rán. Ngoài ra, cần từ bỏ những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày như hút thuốc, uống rượu bia… cần phải năng tập luyện thể dục thể thao và có lối sống, sinh hoạt lành mạnh.

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Rễ nhó đông dưỡng gan

Nhó đông - cây thuốc mới tốt cho người viêm gan, vàng da, vàng mắt, trị đầy bụng, giúp người bệnh ăn ngủ tốt.
Nhó đông - cây thuốc mới tốt cho người viêm gan, vàng da, vàng mắt, trị đầy bụng, giúp người bệnh ăn ngủ tốt. Cây được trồng ở Sơn La, Lào Cai, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, thu hái quanh năm, đào lấy rễ nhó đông, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô làm thuốc chữa bệnh. Dược liệu có vị đắng, màu vàng, tính bình, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, kiện tỳ, hoạt huyết, tiêu viêm, tán ứ, chữa viêm gan, vàng da, xơ gan, bạn đọc có thể dùng dưới các dạng sau:
Cách 1: dược liệu nhó đông 20 - 30g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
Rễ và cây nhó đông.
Cách 2: lấy 1kg rễ nhó đông, thái mỏng đổ nước xâm xấp, nấu kiệt làm 2 lần. Lần thứ nhất nấu trong 6 - 8 giờ, rút nước. Lần thứ hai trong 3 - 4 giờ. Trộn hai nước lại cô nhỏ lửa thành cao mềm. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 - 4g.
Cách 3: nghiền và cắt rễ nhó đông từ cao nhó đông thành dạng cốm nhỏ li ti trộn với đường và ăn sống.
Ngoài ra, kinh nghiệm dân gian: rễ hoặc thân già cây nhó đông phối hợp với rễ cây hé mọ chữa bệnh viêm đại tràng.
BS. Đặng Đức Nam

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

"Ném đá" ngành y

Ngành y có thật sự đáng bị chê trách như ngày nay không? Phải công nhân xã hội rất khắc khe với ngành y, hoàn toàn đúng vì ngành y là ngành liên quan đến sức khỏe con người, tính mạng con người.
Nhưng qua những sự việc liên quan đến ngành y như vậy, được truyền thông nhiệt tình đăng tải, xã hội được một phen "ném đá" ngành y thì thật là oan quá. Thật không oan khi bị ném đá dữ dội như vậy đối với những người bê bối, những sự việc đáng bị chê trách. Nhưng ngành y đâu phải hoàn toàn gồm những người như vậy.

Trong ngành y còn rất nhiều thầy thuốc hết lòng với nghề thương yêu bệnh nhân, làm việc vì nghiệp… Chê trách ngành y quá, "ném đá" tơi bời, chẳng khác nào thời trung cổ hay ở những nước hồi giáo có hình phạt "ném đá" cho đàn bà ngoại tình, "ném đá" vào phù thủy….Như vậy thì bất công cho những người thầy thuốc, nhân viên y tế đang thực hành ngành y một cách lương thiện quá. Nào là những tua trực thức trắng mà thù lao không bao nhiêu, nào là chăm sóc bệnh nhân HIV, nào là nguy cơ nhiễm bệnh từ bệnh nhân trong khi ngành y không đủ điều kiện bảo vệ che chắn tốt cho nhân viên y tế rồi về nhà lây cho gia đình chồng con. Nào là những nhân viên chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần, trẻ sơ sinh, người già, bệnh nhân lao, bệnh nhân phong…họ âm thầm làm việc bất kể ngày đêm, nói chung ở những vị trí mà không có tình thương thì không thể nào làm việc được, đa số họ vì nghiệp vì lòng thương yêu bệnh nhân, thương đồng loại mà có thể trụ lại lâu dài trong cái nghề cao quí này. Thế mà họ lại bị vạ lây, thật không công bằng chút nào !
Không thể đánh đồng một số mặt tiêu cực của ngành y Việt Nam , với những mặt tích cực của nó, điều đó là chắc chắn. Nói gì thì nói, ngành y vẫn đang có những mặt tích cực mà rõ ràng nhất là giá chữa trị ở Việt Nam là rất rẻ. Có nơi nào trên thế giới giá một lần khám bệnh tại phòng khám là 0,5 USD, giá 1 lần siêu âm là 1 USD, chi phí cho một cuộc đại phẫu 1 tuần nằm viện 100-200 USD…
Mổ xẻ những tiêu cực trong ngành y thì nhiều nhiều lắm. Nhưng rõ ràng tất cả điều có tính tương đối hết. Tâm lý của người đi chợ thì lúc nào cũng muốn mua một món hàng “vừa ngon vừa rẻ”, nhưng có được đâu. Việc ném đá ngành y tới tấp, mà chủ yếu ném đá vào y đức của bác sĩ. Bác sĩ là những người cuối cùng trong hệ thống y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Nhưng có ai nghĩ là bác sĩ cũng là một nghề như bao nghề khác, cũng nằm trong một hệ thống quản lý chung. “Y đức” đâu phải chỉ cần nhìn vào bác sĩ là đủ, phải nhìn rộng hơn. “Y đức” còn là chính sách của chính phủ đối với bệnh nhân, cách dùng tiền của chính phủ vào khoảng nào trong hệ thống y tế nữa, chi tiêu y tế, nó có hợp lý không? Nó là cái “y đức” vô cùng lớn, hay có người nói vui là “lãnh đạo đức” nó cũng góp phần không nhỏ vào cái “y đức” của bác sĩ như mọi người thường thấy.
Vấn đề là nằm ở chính sách, triết lý của ngành y nước ta hiện nay như thế nào. Cái đó thuộc vào tầm quản lý vĩ mô của nhà nước. Mong xã hội nhìn nhận việc nào ra việc đó, chứ đừng “quơ đũa cả nắm” như hiện nay. Cứ cái tình hình như hiện nay rất nguy hiểm cho công tác chữa trị bệnh nhân, dù muốn hay không, nó cũng đang diễn ra hằng ngày, đâu có thể nào dừng lại được. Lòng tin của bệnh nhân đã mất đối với ngành y, mà bệnh nhân vẫn phải bị bệnh hàng ngày thì thử hỏi làm sao có sự hợp tác giữa bệnh nhân - thầy thuốc để thầy thuốc có thể làm tốt nhiệm vụ của mình được.
BS.Phan Văn Hoàng

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Bài thuốc chữa viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh hay gặp trong các bệnh về khớp. Tác nhân gây bệnh có thể là virut, vi khuẩn, dị nguyên nhưng chưa được xác định chắc chắn.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh hay gặp trong các bệnh về khớp. Tác nhân gây bệnh có thể là virut, vi khuẩn, dị nguyên nhưng chưa được xác định chắc chắn. Bệnh có liên quan rõ rệt đến giới tính (70-80% bệnh nhân là nữ) và 60-70% gặp ở người trên 30 tuổi. Bệnh cũng có tính di truyền. Các yếu tố thuận lợi khác: môi trường sống ẩm thấp, cơ thể suy yếu mệt mỏi, nhiễm lạnh...
Trên lâm sàng chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu: chủ yếu là viêm 1 khớp (trong đó 1/3 số bệnh nhân viêm một trong các khớp nhỏ ở cổ tay, bàn tay, ngón tay); Giai đoạn rõ rệt (toàn phần): chủ yếu là các khớp nhỏ ở bàn tay, ngón tay, cổ tay hoặc bàn chân cổ chân. Cũng thường có ở khớp gối, khớp khuỷu. Các khớp khác xuất hiện muộn.
Y học cổ truyền xếp viêm khớp vào phạm vi chứng tý. Tuỳ giai đoạn mà dùng bài thuốc thích hợp.
Giai đoạn đầu thuộc phạm vi phong hàn thấp tý. Nguyên nhân do ở tuổi trung niên, cân cơ đã bắt đầu suy yếu lại thêm làm việc chân tay quá sức dẫn tới mệt mỏi hoặc bị chấn thương. Do vậy, hàn thấp phong thâm nhập đốc mạch ở vùng cơ khớp gây bệnh.
Phép chữa: khu phong, tán hàn trừ thấp thông lạc.
Bài 1: khương hoạt, phòng phong đều 6g, sinh khương 5 lát, đương qui, xích thược, khương hoàng, hoàng kỳ, quế chi tất cả đều 6g, cam thảo 4g, đại táo 2g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: xấu hổ 16g; thổ phục linh, dây đau xương, dây gắm, hy thiêm, ngưu tất đều 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu biểu hiện sưng nóng trong giai đoạn đầu hoặc thời kỳ tiến triển của bệnh theo Đông y là do các tà khí ở trong mạch lạc lâu hoá hoả gây nên, lúc đó ở ngoài có hàn, ở trong có nhiệt. Dùng bài: quế chi 8g, bạch thược 12g, ma hoàng 8g, phụ tử 4g, gừng 5 lát, bạch truật 12g, phòng phong 12g, tri mẫu 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Ở giai đoạn rõ rệt (lúc bệnh thường có teo cơ biến dạng khớp) thì phép trị: bổ can thận, khu phong tán hàn trừ thấp thông kinh lạc. Bài thuốc gồm: đương qui, thục địa, hà thủ ô, đỗ trọng, độc hoạt, hy thiêm, thổ phục linh, đẳng sâm, kê huyết đằng đều 12g, ngưu tất, xuyên khung 8g; kim ngân, quế chi 6g, can khương 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu trên lâm sàng có biến dạng khớp song chụp Xquang chưa thấy dính khớp thì có thể kết hợp xoa bóp và châm cứu để giảm đau. Ngoài ra, tuỳ giai đoạn mà hằng ngày người bệnh có thể tự xoa bóp các khớp để đỡ đau và khớp đỡ cứng giúp vận động dễ dàng hơn. Hoặc tự tập các động tác cho khớp bàn tay đơn giản như: cài 10 đầu ngón tay vào nhau, đẩy thẳng ra phía trước (hoặc lên đầu), lòng bàn tay hướng ra ngoài (hoặc lên trên) để điều chỉnh lại sự hài hoà của các gân cơ co duỗi các ngón tay.
BS. Nguyễn Phương Hoa

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Gia vị hành trong cỗ Tết

Tết thường lạnh, dễ gây cảm lạnh và do ăn uống dễ bị xáo trộn nên dễ gây rối loạn tiêu hóa nên càng cần phải ăn hành.
Hành tăng cường miễn dịch cho con người, đồng thời tiêu diệt yếu tố gây bệnh từ bên ngoài.
Theo phép dưỡng sinh của Đông y, lúc xuân về dương khí phát triển, để hòa đồng, con người cần có những thực phẩm có tính ôn dương, Theo đó hành là 1 trong 3 vị hành, tỏi, hẹ của họ Hành tỏi đã được đánh giá cao (theo Nội kinh Bản thảo cương mục). Hành lại là loại gia vị được thu hoạch vào thời kỳ giáp tết nên tươi ngon. Hành không chỉ có vai trò gia vị mà còn được dùng như một loại rau ăn sống trong các món salat, hành luộc cả cây, muối củ, hành xào (hành tây). Hành không chỉ làm ăn ngon miệng bởi khí vị của nó, mà còn làm ngon mắt bởi 2 màu xanh trắng tươi mọng để trang điểm món ăn, hấp dẫn chúng ta muốn ăn.
Lợi ích của hành
Theo Đông y, hành vị cay, tính ôn, không độc, vào 2 kinh phế và vị. Có tác dụng phát biểu, hòa trung, thông dương, hoạt huyết, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, chữa cảm cúm, ho sốt, nhức đầu, sổ mũi. Hành tăng tiết dịch tiêu hóa, chữa chứng ăn không ngon, không tiêu, chướng khí, nôn mửa. Hành là thức ăn, vị thuốc ôn dương nên dùng cho người bị dương hư nói chung. Do hành làm ấm thận, nên ấm cả bào cung nơi có 3 kinh đốc, xung, nhâm, chi phối sức khỏe phụ nữ (kinh nguyệt, thai sản). Cũng do hành làm ấm thận, gốc của tiên thiên, sẽ làm lợi cho cả toàn thân của mọi người, mọi tuổi.
Hành thuộc họ Hành tỏi, đều chứa allicin là chất được nghiên cứu chữa nhiều bệnh. Hành, tỏi có tác dụng đồng thời vừa tăng cường miễn dịch của cơ thể vừa diệt vi khuẩn gây bệnh nên rất hiệu nghiệm đối với các bệnh dịch như: cúm,viêm nhiễm ở các bộ máy trong cơ thể. Theo một tác giả Nhật, hành có tác dụng điều tiết thân nhiệt tạo điều kiện hoạt động của tuyến mồ hôi nên phòng và giảm thiểu các loại bệnh “hàn, nhiệt”. Khi bị cảm sốt, ta dùng nước luộc hành tươi để uống vừa đơn giản mà hiệu nghiệm. Một bác sĩ người Pháp đã chứng minh hành làm tiêu cục máu đông gây tắc mạch máu. Một nhà khoa học Mỹ chiết xuất từ hành chất chữa xơ cứng mạnh máu vành tim. Ăn hành đều đặn với lượng vừa phải sẽ hạ cholesterol, và cản trở sự tích tụ cholesterol trên vách huyết quản, chữa huyết áp cao. Một tài liệu nói hành có chất “insulin thảo mộc” dùng tốt cho người bệnh đái tháo đường. Nhà bác học Tokin và các nhà khoa học ở trường Đại học Y Kharcop sau hàng chục năm nghiên cứu  Hành có một số nhận xét: nhai một củ hành trong ít phút, miệng không còn vi khuẩn kết luận “hành là thần dược chữa bách bệnh”.
Hành và tỏi có nhiều điểm tương đồng. Hành tác dụng yếu hơn tỏi nhưng êm dịu hơn, nhất là trong sử dụng làm thức ăn dễ được tiếp nhận hơn, vì trong giao tiếp của cộng đồng không cho phép ta để mùi nồng của tỏi cản trở.
Để dùng hành tỏi phòng chữa bệnh có hiệu quả bằng cả 2 hình thức ăn và thuốc cần bảo toàn hoạt chất là tinh dầu và men rất dễ bị phân hủy. Hành tươi sống, tác dụng mạnh hơn khi nhúng, tái. Không nên nấu kỹ! Hành tỏi nên nghiền nát để tế bào thoát hoạt chất rồi để vài phút cho men chuyển hoạt chất thành chất cho tác dụng dược lý cần thiết. Sau khi đã nấu chín món ăn  ta mới nên cho hành vào và chỉ để một lúc là phải ăn nóng.
Một số công dụng chữa bệnh
Cảm cúm, ho sốt, đau họng, nhức đầu, chóng mặt:
- Hành lá tươi rửa sạch giã nhuyễn lấy nước cốt hoặc pha loãng tẩm bông nhét vào lỗ mũi hoặc cho vào nước sôi để xông mũi.
- Tăng cường ăn hành sống, tái, xào… vào các món ăn hàng ngày.
- Nấu cháo nhừ cho hành (củ đập dập, lá thái nhỏ) cùng lá tía tô tưới thái chỉ  cho vào cháo, để một lúc nhấc ra ăn nóng, nằm đắp chăn cho ra mồ hôi (không cho trứng).
Tăng cường ăn hành sống, tái, xào... vào các món ăn hàng ngày trị cảm cúm, ho sốt, đau họng, nhức đầu, chóng mặt
- Nấu nước sôi rồi cho hành hãm lấy nước uống.
- Nấu canh, gồm hành tươi 4 - 5 củ, gừng tươi 3 lát. Nếu thêm đậu xị 12g sẽ có hiệu quả cao hơn (Thông xị ẩm). Nếu dùng hành gừng với cá chép thì nấu canh hoặc nấu cháo.
Ho đờm đặc rát họng: hành cả rễ, lê 1 quả to, đường 9g. Nấu nước uống.
Ho viêm phế quản: 6 củ hành, 1 củ cải, 3 lát gừng tươi. Nấu cải trước chín mới cho gừng hành. Uống nước ăn cái.
Đau bụng, ỉa chảy, nôn mửa: hành khô 5 củ, gừng khô 2 lát sao qua cho thơm, sắc nước uống.
Táo bón: củ hành lá loại lớn 1 cọng xẻ rãnh nhét muối tinh vào, thoa dầu vừng bên ngoài, nhét vào hậu môn.
Táo bón người già: củ hành 100g giã nhuyễn vắt lấy nước. Sữa bò tươi 250ml và mật ong 100ml. Trộn 2 nước lại nấu sôi rồi trộn nước hành. Uống 1 lần vào sáng sớm lúc đói.
Thoát dương: ra mồ hôi đầm đìa, chân tay lạnh ngắt thường xảy ra sau thượng thổ hạ tả (tiêu chảy, mửa)  uống nước gừng hành khô đồng thời dùng 2 thứ đó giã nhuyễn, xào nóng đắp lên rốn (tránh gây bỏng).
Bí đái hậu phẫu: củ hành sống 250g thái lát, muối 500g xào nóng cho vào túi vải chườm quanh rốn và bụng dưới.
Bí đái: luộc hành tươi uống nước, bã đắp (với ít muối) lên huyệt khí hải (bụng dưới). Nếu giã thêm 2 con dun đất to, mới đào, trộn đắp cùng, hiệu quả càng cao.
Chân phù: nấu nước hành xông, ngâm.
Phù do thận: 5 củ hành cả lá, bí đao và đậu đỏ nhỏ hạt mỗi thứ 200g. Cá lóc 200g bỏ nội tạng. Cho các thứ trên vào bụng cá luộc lại. Cho vào nước nấu chín để ăn 1 - 2 ngày 1 lần. Có thể thêm 3 củ tỏi nấu cùng.
Sỏi thận: hành tươi củ lá 250g, móng sừng chân lợn 4 - 8 cái cạo rửa sạch. Cho cả 2 vào nước hầm mềm móng. Uống nước là chính, cái ăn tùy  ý.
Viêm mũi mãn tính: dùng lá hành hoặc cả thái nhỏ giã nhuyễn nhét thẳng vào 2 lỗ mũi, hoặc dội nước sôi để xông, hoặc giỏ nước hành vắt vào mũi, hoặc tẩm bông nhét vào lỗ mũi, hoặc tẩm gạc đắp lên sống mũi. Hoặc xào nóng hành bọc vào vải đắp lên sống mũi ban ngày, ban đêm phải dùng băng dính giữ kẻo rơi khi ngủ.
Viêm họng cấp mạn: hành 5 cọng, trứng vịt 1 - 2 quả nấu kỹ. Ăn trứng, uống nước ngâm bã hành. Có thể thêm mạch nha, hoặc mật ong tốt nấu cùng cho dễ uống.
Đường huyết cao: dùng hành tươi nhúng tái ăn chấm tương vào thời điểm trong hoặc ngoài bữa ăn, để ăn được thường xuyên.
Huyết áp cao: hành 30g, đỗ trọng 15g, bồ dục lợn 250g. Xào tái bồ dục với hành rồi đổ nước đỗ trọng đã nấu sắn vào nấu tiếp cho chín bầu dục để ăn cái uống nước.
Mất ngủ, ngủ không ngon giấc: sắc 20 quả táo đỏ, 7 cọng hành củ lấy nước uống buổi tối. Hoặc để cạnh gốc 1 đĩa hành củ thái nhỏ. Ngửi mùi hành bốc dễ ngủ.
Suy nhược thể lực và thần kinh, ăn không ngon miệng: lấy 2 củ hành tươi với 300g đường cho vào 300 ml nước. Nấu uống sáng chiều, tối. Mỗi lần 1 thìa to (thìa múc canh) (gọi là xirô hành).
Bệnh lý sản phụ khoa: bế kinh, thống kinh, kinh chậm dùng hành làm món ăn, thức uống như trên. Tăng cường ăn hành khi có rối loạn kinh. Khi đã khỏi thì giảm bớt. Không dùng nhiều khi đang có kinh bình thường, kinh nhiều.
Viêm tuyến vú, tắc sữa: 10 củ hành lá cả rễ, bồ công anh 10g - 100g. Rượu trắng 60ml, nước 1 lít. Nấu còn 500ml. Nước chia 2 lần uống, bã còn nóng đắp lên vú sưng.
Bỏng lửa: củ hành tươi giã trộn với mật ong tùy ý đủ dùng bôi đắp lên chỗ bỏng.
Bị gãy xương: 1 nắm hành tươi, gừng 1 củ, lá thông 90g giã nhuyễn bó lại ngày 1 lần.
Rắn rết, bọ cạp, ong độc cắn: củ hành lá loại to dày giã nhuyễn lấy nước hoặc cả bã trộn mật ong tốt bôi đắp lên chỗ tổn thương.
Chấn thương sưng bầm: hành củ lá giã nhuyễn với nhân hạt gấc muối sao nóng với dấm đắp lên chỗ tổn thương. Nếu nguội phải xào nóng lại.
Chữa ghẻ: củ hành sống, rau dền gai, vôi mỗi thứ 500g, dầu vừng vừa đủ. 3 thứ  đều thái nhỏ phơi khô giã bột, trộn dầu để xoa lên mụn ghẻ. Có thể thêm bồ công anh cùng chế để đắp lên mụn nhọt.
Chân bị chai cứng đau nhức: dùng củ hành tươi cắt 1 phần để xát vào chỗ bị chai hoặc giã nhuyễn đắp bó lại ngày thay 1 lần. Hoặc thêm 3 hạt tiêu, củ tỏi tím giã cùng ít muối dấm để đắp. Để có hiệu quả hơn thì cạo bớt lớp trên của chai cho rớm máu, ngâm nước muối cho mềm trước khi đắp thuốc.
Chữa ung bướu: có tài liệu dẫn ý kiến của một số nhà khoa học Mỹ nhận định hành tỏi có chứa chất phòng chống ung thư. Bên Đông y có tác giả khuyên dùng hành chữa u tiền liệt tuyến dựa vào vai trò của thận và các mạch xung nhâm.

Thực phẩm ngày Tết và tác dụng chữa bệnh

Những thức ăn ngày Tết vừa là thực phẩm, vừa là những vị làm thang thuốc hoặc vị thuốc để chữa bệnh, phòng bệnh hoặc tăng cường thể lực.
>>>>nu tam that bao tu
Trong ngày tết theo tục lệ cổ truyền mọi người thường chuẩn bị nhiều món ăn ngon, quí hiếm, nhiều chất béo bổ để nghinh đón năm mới, cúng lễ để tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và những người đã khuất sau đó là hưởng lộc hoặc tiếp đón bạn bè, thân quyến trong đầu xuân năm mới. Những thức ăn trên vừa là thực phẩm để ăn uống, đồng thời cũng là những vị làm thang thuốc hoặc vị thuốc để chữa bệnh, phòng bệnh hoặc tăng cường thể lực.
Thông thường vào ngày Tết nhà ai cũng có: Bánh chưng xanh, bánh tét, mứt gừng, mứt bí đao, giò, chả, thịt gà, cá, bánh kẹo, hoa quả, rượu nếp... Những món ăn này phụ thuộc vào từng vùng, từng dân tộc mang tính đặc trưng không thể thiếu được.
Một số thức ăn đồ uống trong ngày tết được xem xét dưới góc độ Đông y như sau:
Bánh chưng xanh, bánh tét: Gồm có các thành phần chủ yếu: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, hành, muối, hạt tiêu và gói trong một loại lá dong đặc biệt khi luộc nhừ cho màu xanh của diệp lục in vào thành bánh chưng.
Đỗ xanh tên thuốc là lục đậu; Vị ngọt, tính hàn. Vào kinh vị, tâm và can; có tác dụng thanh thử nhiệt, giải độc của thuốc.
Gạo nếp tên thuốc là nhu mễ.
các món ăn ngày Tết
Hành tên thuốc là thông bạch, vị cay, tính bình; vào ba kinh: phế, can, vị; có tác dụng phát hãn giải biểu, thông dương lợi thuỷ, giải độc thức ăn, tiêu ung nhọt mới phát, tuyên thông mạch lạc.
Muối tên thuốc là thực diêm; Vị mặn, tính hàn. Vào kinh thận; có tác dụng nhuận đại tiện, tăng cường khí lực, sát khuẩn, chỉ thống.
Hạt tiêu tên thuốc là hồ tiêu, bạch hồ tiêu, hắc hồ tiêu; Vị cay, tính đại ôn. Vào kinh phế, vị, đại tràng; có tác dụng trừ hàn, ấm vị, hạ khí tiêu đờm, làm gia vị.
Thịt lợn tên thuốc là trư nhục; vào các kinh: vị, tỳ, tiểu tràng; có tác dụng là bổ tỳ ích vị; chữa các chứng hư nhược, gày yếu, mệt mỏi...
Tất cả các thứ trên được gói chung luộc nhừ, ép chặt tạo thành một cái bánh có nhiều hương vị chung hòa quyện vào nhau vừa ôn ấm vừa bổ, vừa thơm ngon đậm, khiến người ăn cảm giác ngon miệng mà không chán ngán; mặt khác ăn vào không bị đầy bụng và bảo quản được lâu.
Mứt gừng: Được làm bằng gừng tươi và đường mía; được chưng theo một phương pháp riêng sao cho bên trong ruột miếng gừng hết nước và bề mặt miếng gừng được bám đầy đường; khi ăn vị cay ngọt đượm lẫn nhau tạo thành một vị đặc biệt vừa thơm vừa ngon lại giúp cho tiêu hóa tốt, chống đỡ được với ngoại cảm phong hàn.
Gừng tên thuốc là sinh khương, vị cay, tính hơi ôn;  vào ba kinh phế, tỳ và vị; có tác dụng: giải biểu tán hàn, ôn trung, chỉ nôn, kích thích tiêu hóa, hoá đàm thông thuỷ, ôn hoá đàm ẩm.
Mứt bí đao: Được làm bằng bí đao sau khi đã cạo bỏ vỏ và ruột cùng với đường mía; được chưng theo một phương pháp riêng sao cho bên trong ruột miếng bí đao gần hết nước, được thay thế bằng nước đường và bề mặt miếng bí đao được bám đầy đường; khi ăn vị ngọt đượm tạo thành một vị đặc biệt vừa thơm vừa ngon lại giúp cho cơ thể đỡ háo khi dùng quá nhiều rượu hoăc đồ cay nóng như riềng, gừng, ớt.
Bí đao tên thuốc là đông qua bì, qua biện; vị ngọt, tính hơi hàn; vào bốn kinh tỳ, vị, đại tràng, tiểu tràng; có tác dụng lợi thủy ở bì phu, thanh thấp nhiệt.
Các loại thịt, cá thường dùng trong ngày Tết:
Thịt gà tên thuốc là kê nhục; vào các kinh: can, đởm, vị, tỳ, tiểu tràng; có tác dụng chủ yếu là bổ can tỳ, ích vị, liền cân dưỡng nhục; chữa các chứng hư nhược, gày yếu, mệt mỏi, gãy xương...
Cá chép tên thuốc là lý ngư; tính vị cam bình; vào các kinh vị, tỳ, tiểu tràng; có tác dụng hạ thủy khí, lợi tiểu tiện, bổ tỳ ích vị, an thai; chữa các chứng phụ nữ có thai thủy thũng, cước khí, hoàng đản, người gày yếu, mệt mỏi...
Rượu nếp tên thuốc là tửu bạch; vị đắng, ngọt, cay, tính ôn; vào mười hai kinh; có tác dụng: Điều hòa khí huyết, thông kinh lạc, dẫn thuốc đi lên, khai vị.
Nước trà xanh tên thuốc là thanh trà, vũ tiền trà; vị ngọt, đắng, tính hơi hàn; vào bốn kinh tâm, phế, tỳ, vị; thanh nhiệt giáng hỏa, tiêu thực, tỉnh ngủ, trừ được uất nhiệt ở thượng tiêu, giải khát nước. Sau khi ăn uống xong thường uống nước trà xanh nóng có tác dụng giúp cho tiêu hóa được tốt còn thanh tâm thần giúp cho cơ thể thỏa mái.
TTND. BS. TRẦN VĂN BẢN (Trung ương hội Đông y Việt Nam)

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Bài thuốc trị cảm, ho do lạnh

Mùa lạnh khiến nhiều người dễ mắc cảm mạo phong hàn, viêm khí quản, đau các khớp, ho,... nhất là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính.
Mùa lạnh khiến nhiều người dễ mắc cảm mạo phong hàn, viêm khí quản, đau các khớp, ho,... nhất là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính. Do vậy, việc ăn uống, dưỡng sinh và phòng trị bệnh vừa phải bổ âm lại phải chú ý bổ dưỡng. Cần tăng cường giữ ấm tránh lạnh, không hoạt động quá nhiều làm hao tán thể lực. Sáng dậy nên xoa lòng bàn tay, bàn chân. Nếu bị trúng cảm, ho,... có thể áp dụng một trong các món ăn, bài thuốc sau:
Bài 1: Trừ phong hàn, chữa cảm mạo, ích khí, nhuận phế, hết ho:
Có thể áp dụng bài thuốc sau: Bối mẫu 6g, trứng gà 1 quả. Bối mẫu sao vàng (sấy khô) tán thành bột mịn. Cách chế biến: Khoét một lỗ đầu trứng gà cho vào 6g bột bối mẫu, dùng giấy dán bít lỗ lại. Đặt trứng vào bát cố định đầu lỗ ở phía trên, chưng cách thủy 15 phút. Ngày ăn 1 quả, một liệu trình là 10 ngày.

Cháo hành, mùi giải cảm.
Bài 2: Giải biểu, hòa vị, hết nôn, thích ứng với người sốt, đau đầu, sợ lạnh không ra mồ hôi:
Có thể dùng bài thuốc: Gạo tẻ 60g, gừng tươi 20g, hành củ tươi 30g, muối ăn 5g. Cách chế biến:  Gạo vo sạch cho nước vừa đủ hầm nhừ thành cháo. Hành rửa sạch thái nhỏ, gừng tươi rửa sạch thái thành hạt nhỏ. Khi cháo chín cho hành, gừng, muối vào khuấy đều ăn lúc nóng.
Bài 3: Giải biểu, hòa vị, thích ứng với bệnh phát nhiệt sợ lạnh, mệt mỏi, khắp người khó chịu:
Có thể dùng bài thuốc: Hoắc hương 20g, gừng tươi 15g, đường đỏ vừa đủ. Cách chế biến: Hoắc hương rửa sạch, thái ngắn, gừng rửa sạch thái mỏng. Cho hoắc hương, gừng tươi vào nồi đổ thêm 300ml nước đun sôi sau 10 phút, gạn lấy nước cho đường vào khuấy tan uống lúc nóng, uống liền 5 ngày.
Bài 4: Chữa ho, viêm họng, nhuận phổi.
Bài thuốc: Nhân hạt bí đao 20g, đường đỏ vừa đủ. Cách chế biến: Nhân hạt bí đao rửa sạch, giã nát. Trộn nhân hạt bí đao đã giã nát với đường đỏ, khi dùng cho hãm với nước sôi (300ml) chắt lấy nước uống khi còn nóng. Ngày uống 2 lần, uống liên tục từ 7 - 10 ngày.
Bài 5: Chữa phong hàn, trị ho:
Nho tươi 100g, chè xanh 10g, gừng tươi 20g, mật ong vừa đủ. Cách chế biến: Nho tươi rửa sạch xay nhuyễn vắt lấy nước. Gừng tươi rửa sạch giã nhuyễn vắt lấy nước, chè xanh rửa sạch pha bằng nước sôi chắt lấy nước. Đổ lẫn nước nho, nước gừng, nước trà và mật ong khuấy đều uống lúc nóng, chia 3 lần trong ngày, uống liên tục 5 ngày.
Bài 6: Trị ngoại cảm phong hàn, đau đầu,  ra mồ hôi, thở khò khè: Quế chi 10g, đại táo 5 quả, bạch thược 10g, gừng tươi 10g,  đường đỏ vừa đủ. Cách chế biến: Rửa sạch các vị trên, cho vào nồi, thêm 500ml nước đun sôi sau 10 phút chắt ra lấy nước cho đường vào quấy tan uống lúc nóng. Dùng liên tục từ 5 - 7 ngày.
Lương y  Hữu Đức

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Ba ba chữa bệnh

Theo YHCT, thịt ba ba vị ngọt, tính bình, có công dụng dưỡng âm lương huyết, bổ hư nhuyễn kiên và kháng ung, thường được dùng làm thức ăn bổ dưỡng cho người tạng nhiệt, hay nóng trong, mồ hôi ra nhiều...
Ba ba, còn gọi là giáp ngư, nguyên ngư, đoàn ngư... là một loài bò sát ba móng, sống ở nước ngọt trong các ao, hồ, đầm, sông... trông giống như con rùa nhưng dẹp và lớn hơn. Theo y học cổ truyền, thịt ba ba vị ngọt, tính bình, có công dụng dưỡng âm lương huyết, bổ hư nhuyễn kiên và kháng ung, thường được dùng làm thức ăn bổ dưỡng cho người tạng nhiệt, hay nóng trong, mồ hôi ra nhiều...
Một số cách dùng ba ba chữa bệnh
Bài 1: Ba ba 1 con, kỷ tử 30g, hoài sơn 30g, nữ trinh tử 15g. Ba ba làm sạch, chặt miếng, đem hầm nhừ cùng với các vị thuốc, khi chín bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị,  ăn nóng. Công dụng: Chữa chứng can thận hư tổn, lưng gối đau mỏi, đầu choáng mắt hoa, di tinh...
Ba ba vị ngọt, tính bình có công dụng dưỡng âm lương huyết.
Bài 2: Ba ba 1 con, tri mẫu 15g, bối mẫu 15g, ngân sài hồ 15g, hạnh nhân 15g. Ba ba làm sạch, chặt miếng, đem hầm nhừ vớí các vị thuốc, khi chín bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần. Công dụng: Dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế chỉ khái, dùng để chữa các bệnh lý đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản mạn tính, lao phổi, lao xương khớp... thuộc thể Phế thận âm hư.
Bài 3: Ba ba 1 con, mỡ lợn 60g. Ba ba làm sạch, chặt miếng; mỡ lợn thái nhỏ, hai thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần. Công dụng: Bổ can ích huyết, phù chính khứ tà, dùng để chữa sốt rét dai dẳng.
Bài 4: Thịt ba ba 50g, râu ngô 5g, sơn tra 4g, hồng táo 2 quả, gừng tươi 1g, gia vị và nước vừa đủ. Thịt ba ba thái miếng, râu ngô rửa sạch, sơn tra bỏ hạt thái mỏng, táo bỏ hạt, gừng thái chỉ. Tất cả cho vào nồi hầm nhừ, khi chín bỏ râu ngô, ăn cả cái và nước. Công dụng: Dưỡng âm bổ huyết, làm giảm mỡ máu và hạ huyết áp.
Bài 5: Ba ba 1 con, hoài sơn 20g, long nhãn 20g, gia vị vừa đủ. Ba ba làm sạch, bỏ mật, lấy thịt thái miếng, cho vào bát cùng với long nhãn và hoài sơn rồi đem hấp cách thuỷ cho thật nhừ, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: Chữa ho mạn tính, bổ não và nâng cao năng lực tư duy.
Bài 6: Mai ba ba 30g, chim bồ câu 1 con, rượu vang một chút và gia vị vừa đủ. Mai ba ba sấy khô, tán bột cho vào bụng chim bồ câu đã làm sạch cùng với rượu và gia vị, hấp cách thuỷ cho thật nhừ, ăn trong ngày. Công dụng: Chữa kinh nguyệt bế tắc do cơ thể suy nhược.
Lưu ý: Phụ nữ có thai và những người tỳ vị hư hàn biểu hiện bằng các triệu chứng như người gầy, sắc mặt nhợt nhạt, dễ mệt mỏi, bụng đầy, chậm tiêu, miệng nhạt, chán ăn, tay chân lạnh và buồn mỏi, đại tiện lỏng nát hoặc sống phân, chất lưỡi nhợt và có vết hằn răng... thì không nên dùng ba ba.  Nếu dùng thì phải phối hợp với các gia vị có tính ấm nóng và có công dụng kích thích tiêu hóa. Theo kinh nghiệm dân gian, không nên ăn thịt ba ba với kinh giới vì sẽ sinh lở ngứa.
BS. Lê Hoài Nam